Visited:
Online:
HOTLINE: 024.6287.3140 - 024.6287.3150
Zalo, Viber, WhatsApp: 0822.68.68.62
Email: info@dienhoahanoi.com
Ký ức hoa điệp vàng (cập nhật: 25/05/2009)

Bây giờ, hoa bằng lăng tím ngát và phượng hồng đã tàn phai. Chỉ còn hoa điệp vàng cũng đang cuối độ. Vậy nhưng kỳ lạ, loài hoa này vẫn như nở rực rỡ trong ký ức tuổi thơ, ký ức một thời thiếu nữ, trong những hoài niệm dấu yêu, và cả trên… Thư Hà Nội. 

 

Màu của điệp
 

Ngày đó – cái thuở học trò ngu ngơ chỉ quen với những trò nghịch tinh quái vẫn còn đọng lại trong tôi bao kỉ niệm. Những chiều trên đê cả nhóm chúng tôi cùng tung tăng đạp xe, ngồi hóng mát và nghĩ về những tháng ngày xa xăm. Đứa nào cũng tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Và còn đó cả những buổi chiều mưa vì mải hái những chùm hoa bằng lăng tím ngát ven đường mà chẳng hay mình đã ướt “như chuột lột”.
0
Hoa điệp vàng

Rực rỡ bên phượng vĩ. Ảnh: Văn Vũ

Hoặc nhặt từng cánh hoa rơi màu vàng tươi rực rỡ kết thành những chiếc vòng nhỏ xinh đội lên đầu hay đeo vào cổ, vào tay nhỏ bạn thân. Chẳng đứa nào biết tên loài hoa ấy. Cứ gọi nó là hoa vàng theo màu sắc của hoa.

Tôi trở thành sinh viên đại học. Loài hoa vàng kia tôi cũng đã biết và nhớ thật rõ tên – hoa điệp vàng. Con đường từ nhà trọ đến trường vào những ngày ve kêu râm ran luôn được phủ kín bởi những sắc vàng rực rỡ. Điệp vàng không nở sớm như bằng lăng hay phượng vĩ mà khoe sắc muộn hơn.

Có lẽ cũng bởi thế nên những ngày giữa và cuối hè những con đường của Hà Nội luôn tràn ngập những màu vàng tươi. Điệp vàng như muốn khoe sắc của mình dưới ánh mặt trời chói chang. Màu vàng gợi nhớ màu của những cánh đồng lúa chín vào mùa bội thu.
 

Ngay cổng trường đại học của tôi là hai hàng điệp vàng. Những giờ tan trường, đứng đợi bạn, những cánh hoa điệp rụng vương trên áo, trên những trang vở và trải như những mảnh vàng mỏng manh dưới chân tôi. Những giờ tan trường, có khi tôi lại vẩn vơ đi tìm những con phố rợp bóng điệp vàng. Để làm gì? Tôi chẳng biết.

 

Có khi cũng chỉ là một mong ước nho nhỏ được đi dưới những hàng cây rợp bóng mát, những tán lá xanh rì và những tán điệp vàng rực rỡ. Để được hưởng thụ cái cảm giác bước trên những thảm hoa vàng, nhớ về những kỉ niệm của thuở học trò tinh nghịch, và thấy lòng mình như trong sáng hơn.
0

Hoa điệp vàng

Màu của điệp… Ảnh: Văn Vũ

Những tháng ngày tuổi học trò, những tháng ngày ngồi trên giảng đường đại học. Những dòng chữ trong những trang lưu bút ngây thơ và khờ dại đến buồn cười, giấy trắng bắt đầu ngả màu và mực cũng dần phai. Chỉ còn duy nhất loài hoa điệp là vẫn vậy. Vẫn màu vàng rực rỡ. Vẫn những con đường nho nhỏ nhưng tràn ngập sắc vàng.       

                           

Chiều nay, tôi lại tìm thấy một con phố mới chỉ ngập trong sắc của  hoa điệp vàng. Những con phố hoa điệp vàng có tên và chưa có tên. Nhưng chắc chắn rằng ai đã yêu thích màu vàng ấy thì dù hoa nở ở đâu, trên con phố hiện đại hay ngõ nhỏ dịu dàng, điệp vàng vẫn cứ kỳ lạ, đẹp quyến rũ như chính cái tên mộng mơ của nó.

 

Dưới gốc cây điệp già

 

Với riêng tôi, điệp vàng là loài hoa dễ gợi nhớ. Nhớ đến hanh hao những đêm mùa hạ chơi trò trốn tìm dưới một gốc cây điệp độc nhất của làng.Ở đó, tôi có những câu chuyện mà giờ đây, có lúc phải neo vịn vào đó mà vượt qua những mệt mỏi của số phận. Ở đó, món quà không hao khuyết với thời gian là nụ cười, như không hề vướng bận ưu lo, không hề làm mất đi niềm tin, lòng tốt hay bất cứ một điều gì nhỏ bé mà thiêng liêng khác.

 

Bạn có tin không khi một mùa hoa điệp nở vàng trong sắc nắng của làng, tôi đã được chứng kiến một chuyện tình buồn mà đẹp. Tuổi trẻ, dù ngờ nghệch hay khôn ngoan đến mấy thì tình yêu vẫn là một thứ từ trường đầy hấp lực. Chú tôi biết yêu, mối tình với cô thôn nữ có đôi mắt đen láy đẹp nhất làng. Chuyện tình của cô chú chỉ có điệp vàng mới hiểu, có lẽ thế.
0

Hoa điệp vàng rụng dưới chân tôi

Như những mảnh vàng mỏng manh. Ảnh: Văn Vũ

Gốc điệp là chốn hẹn hò của họ. Tôi nghe chú kể rằng, cô rất thích loài hoa ấy, mỗi mùa hoa điệp nở, cô đều cố hái cho kì được một nón trắng đầy hoa vàng. Những bông điệp nhỏ như chiếc cúc áo được cô đem về “găm” trong sách vở, trong tấm ni- lông, hay trong chiếc khăn tay có thêu tên hai người. Mỗi khi cô buồn, chú tôi thường ngồi cạnh và hát “Hoa vàng mấy độ”- một nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cô nghe…

 

Rồi gia đình tôi gặp cơn tai biến khi công việc làm ăn trôi vào “sập cầu”. Chú tôi không đủ tự tin để làm người đem đến hạnh phúc cho nàng, người con gái mình yêu. Một buổi sáng, mưa tầm tã, chú khoác chiếc ni- lông và mang ba lô ra đi. Chú can đảm vào Sài Gòn để “làm mới” cuộc đời mình sau cú va vấp quá lớn.

 

Còn cô, ngày ấy, cô đã không lường trước được cái quyết định lặng lẽ đó của chú tôi. Nước mắt và nỗi khắc khoải trong cô chờ mong người ra đi sẽ quay về, như dần cạn…. Một mùa điệp vàng ríu rít đôi lứa yêu đương, riêng cô chỉ có một mình. Những mùa sau, cây điệp già nua với gió, mưa, nắng và sự dở dang, chờ đợi… Vô vọng, cô đi lấy chồng, cho đến một chiều, cô nhận được cú điện thoại của chú: “Anh đã chờ ngày mà xã mình có một cái bưu điện để được nghe giọng nói của em”. Cô khóc, nghẹn ngào và đắng chát…

 

Đất phương Nam đã in hằn trên giọng nói đã “già” đi nhiều của chú. Hóa ra, chú tôi vẫn độc thân, vẫn mải miết đi và về trên con phố lầy lội, trong một hẻm nhỏ của dân nhập cư tứ xứ. Chú cười hiền khô và lặng lẽ hơn khi tôi kể: “Hà Nội đang là mùa điệp vàng chú à! Cháu ngắm hoa mà nhớ đến chú của gần 20 năm trước…”.

 

Con đường trải dài theo những bông điệp rụng, tôi miên man chìm trong dòng suy nghĩ. Cả một thời “chổi trện” hiện về trong tôi, khắc khoải và thương mến. Ngày ấy, nhà tôi nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào số lượng chổi trện mà cả gia đình tôi cắt được.
0

Hoa điệp

Trải dài trên những con đường. Ảnh: Văn Vũ

Cái nắng miền Trung gay gắt như dội lửa trên con đường cát sỏi. Chị em tôi không có đủ dép mà đi, chỉ có bàn chân trần rát bỏng, nhiều lúc chịu không nổi, em tôi ngồi xuống, nước mắt nhạt nhòa. Tôi thương em, nhưng chỉ biết lặng lẽ cúi xuống cắt tiếp cây rành rành. Chiều về qua gốc điệp vàng, chợt thấy lòng trống trải như cần một người bạn sẻ chia…

 

Tôi không còn nhớ có bao đêm thức trắng để bó chổi trện cho xe kịp chuyến ngược ra Bắc,  không còn nhớ đã có bao giọt nước mắt rơi dưới gốc điệp già khi gia đình gặp sự cố. Tôi cũng không còn nhớ đã có biết bao kỷ niệm được dệt nên từ những bông hoa điệp ấy. Hình ảnh duy nhất còn hiện hữu trong tôi là người bạn thân và gốc điệp già.

 

Nhà tôi cách trường không xa, nhà bạn cách trường cũng chỉ vài km, cây điệp vàng- cây điệp duy nhất trong làng tôi và cũng là duy nhất trên sân trường. Thầy giáo tôi bảo rằng: Cây này đã có từ lâu lắm, từ thuở chiến tranh còn trong giai đoạn ác liệt. Chả trách thân cây sù sì, lắm chỗ lồi lõm đến thế. Thỉnh thoảng chúng tôi dang tay ôm cây hoa điệp, nhưng hai đứa không thể chạm tay nhau.. .

 

Bao giờ cũng thế, bạn ngồi quay hướng về phía mặt trời mọc, tôi theo hướng mặt trời lặn, hai đứa cùng đua nhau làm toán, làm văn xem ai xong trước. Nhưng khi nào cũng “huề” vì bạn xong toán còn tôi xong văn. Đôi lúc làm bài xong, tôi và bạn lại nhặt hoa điệp kết thành hình trái tim đan nhau. Bạn bảo, hai trái tim lồng vào nhau, tạo nên ngọn lửa, ngọn lửa đam mê, ngọn lửa tình bạn. Rồi bạn phá lên cười. Nụ cười bạn lúc đó thật dễ thương

 

Giờ tôi và bạn đã là sinh viên đại học. Hà Nội không thiếu điệp vàng, nhưng thật lạ, mỗi lúc buồn tôi lại tha thẩn lạc vào chốn thiên đường của điệp vàng, để neo mình nhớ về một gốc điệp vàng già chứa đầy ký ức thời thiếu nữ ở làng quê xa xăm…
0

Điện hoa Hà Nội - Theo Vietnamnet

 

 
Các tin đã đăng
 Mùa hoa đỗ quyên nở rộ   (cập nhật 24/05/2009)
 Mùa hoa Ban quê Bác   (cập nhật 22/05/2009)
 Hà Nội mùa bằng lăng   (cập nhật 25/05/2009)
 Hà Nội mùa phượng đỏ   (cập nhật 17/05/2009)
 Vườn tulip nổi tiếng nhất thế giới   (cập nhật 15/05/2009)
 Ngan ngát hương cau!!!   (cập nhật 15/05/2009)
 Màu tím hoa cà   (cập nhật 15/05/2009)
 Phượng ơi...   (cập nhật 12/05/2009)
 Tulip nở rộ giữa Seoul   (cập nhật 08/05/2009)
 Nhớ hương nhãn quê tôi   (cập nhật 07/05/2009)
0
Sản phẩm
Dịch vụ
Loài hoa
Giá tiền
Tên sản phẩm
My Yahoo: duongvansydvs@yahoo.com
Sales
My Yahoo: nguyenvanquynh1308@yahoo.com
Sales